Sau khi thành lập công ty cần làm gì? Sau khi có Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp cần thực hiện những thủ tục sau để bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình.
Mời bạn theo dõi bài viết sau của LEGALAM.
1. Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính.
2. Khắc dấu
Con dấu chính là đại diện pháp nhân của doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi có Giấy đăng ký kinh doanh, DN cần tiến hành khắc dấu bao gồm: dấu pháp nhân (dấu tròn) và dấu chức danh. Theo quy định mới, hiện nay không cần thông báo mẫu dấu mà do doanh nghiệp tự quản lý.
3. Mở và thông báo tài khoản ngân hàng
Để giao dịch, doanh nghiệp cần mở tài khoản ngân hàng cho công ty và thông báo tài khoản này lên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể có nhiều số tài khoản.
4. Treo biển hiệu
Doanh nghiệp cần treo biển hiệu tại trụ sở chính công ty. Biển hiệu phải bao gồm đầy đủ các thông tin: mã số thuế, tên công ty, địa chỉ, số điện thoại,… theo đúng nội dung trên Giấy ĐKKD.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính.
5. Kê khai và nộp thuế môn bài
Theo quy định, doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc. Trường hợp Doanh nghiệp chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài chậm nhất là trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
TUY NHIÊN, theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2020 thì Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới) sau ngày 25/02/2020 sẽ được Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12). Do đó doanh nghiệp chỉ cần nộp tờ khai lệ phí môn bài với số tiền 0 đồng trong năm đầu thành lập.
6. Mua chữ ký số và đăng ký nộp thuế điện tử
Chữ ký số là chữ ký của doanh nghiệp dưới dạng USB, dùng để thực hiện các thao tác, giao dịch trên mạng thay thế cho chữ ký và con dấu của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
7. Mua và phát hành hóa đơn điện tử
Theo quy định hiện nay thì việc sử dụng hóa đơn điện tử là bắt buộc với doanh nghiệp. Sau khi lựa chọn được nhà cung cấp, Doanh nghiệp tiến hành thông báo phát hành hóa đơn với Cơ quan thuế.
8. Thực hiện góp vốn theo cam kết
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có nghĩa vụ góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
9. Lập Sổ đăng ký cổ đông/Sổ đăng ký thành viên
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các công ty có trách nhiệm lập sổ đăng ký thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên), sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần) theo quy định tại Luật doanh nghiệp.
10. Lưu ý với doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có điều kiện
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi có Giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần tiếp tục tiến hành hoàn thiện các loại giấy phép con theo yêu cầu của từng ngành nghề.
Ví dụ:
- Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (quốc tế).
- Đối với ngành nghề in ấn: Giấy phép hoạt động ngành in
- Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT
Trên đây là những công việc, thủ tục cần làm sau khi thành lập công ty. Bạn cần thực hiện đầy đủ để tránh bị phạt.
Hiện tại, LEGALAM đang có chương trình hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp mới thành lập. Nếu bạn cần được hỗ trợ, hãy liên hệ ngay theo các số hotline của LEGALAM.