Các trường hợp nào không phải đăng ký kinh doanh? Pháp luật quy định những đối tượng nào được miễn đăng ký kinh doanh? Có những lưu ý gì khi đăng ký kinh doanh mà không đăng ký? Mời bạn theo dõi bài viết sau của LEGALAM để được giải đáp.
1. Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh
Theo quy định pháp luật, mọi cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đều phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước. Trừ một số trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
Quy định trên không áp dụng khi cá nhân kinh doanh những ngành nghề có điều kiện. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng những điều kiện về giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ, nhân sự, cơ sở vật chất,… (tùy từng ngành nghề cụ thể) theo quy định pháp luật.
2. Lưu ý với các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh
Đối với các trường hợp được miễn đăng ký giấy phép kinh doanh thì khi hoạt động vẫn phải tuân thủ một số điều kiện theo quy định pháp luật về: an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường hoặc tuân thủ quy hoạch của từng địa phương, đảm bảo trật tự đô thị khi tiến hành hoạt động kinh doanh tại địa điểm nào đó.
Ví dụ: lưu ý về các địa điểm cấm bán hàng rong hoặc cho phép bán tại từng địa bàn cụ thể.
3. Một số câu hỏi thường gặp
3.1 Kinh doanh online có phải đăng ký kinh doanh?
Có. Các hình thức kinh doanh online như bán hàng qua các trang mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… đều phải đăng ký giấy phép kinh doanh có đóng thuế theo quy định pháp luật.
Xem thêm: Đăng ký hộ kinh doanh cá thể – Điều kiện, hồ sơ, thủ tục
3.2 Các dịch vụ kinh doanh có thu nhập thấp không cần đăng ký kinh doanh bao gồm những dịch vụ gì?
- Đánh giày
- Bán vé số
- Sửa chữa khóa
- Rửa xe
- Cắt tóc
- Vẽ tranh
- Chụp ảnh
Cố vấn chuyên môn bởi: Luật sư Nguyễn Hoàng